Cảnh báo nguy cơ 'trầm cảm Facebook'

Các bác sĩ Mỹ đã cảnh báo về nguy cơ "trầm cảm Facebook" trong nhóm bạn trẻ nhân cách yếu, nghiện mạng xã hội.


Mặc dù chưa có báo cáo nào khẳng định rằng trầm cảm có liên quan trực tiếp tới việc sử dụng các mạng xã hội như Facebook, song các bác sĩ lưu ý rằng Facebook có đặc trưng độc nhất vô nhị mà những thiếu niên nhân cách yếu có thể gặp khó khăn.

Cụ thể, những cô cậu bé này rất dễ cảm thấy suy sụp nếu họ nghĩ rằng mình thua kém điểm với bạn bè, về việc cập nhật status và các bức ảnh trông ngời ngời hạnh phúc.

"Nó giống như cuộc thi của cả cộng đồng lớn vậy - xem ai được nhiều lời đề nghị, khen ngợi từ bạn bè nhất hoặc có nhiều bức ảnh được 'tag' nhất", Abby Abolt, 16 tuổi, từ một trường trung học ở Chicago và là một người dùng Facebook thường xuyên, nhận xét.

Những thông điệp mang tính phán xét, khinh bỉ từ một vài bạn trẻ trên Facebook cũng sẽ tạo ra làn sóng hiệu ứng xã hội hoặc "ăn hiếp" người khác. Báo chí từng đưa tin một thiếu nữ 15 tuổi người Massachusetts (Mỹ) bị bắt nạt và quấy rầy ngoài đời cũng như trên Facebook đã tự tử hồi năm ngoái.

Trước thực tế này, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên trò chuyện với con mình về việc sử dụng internet và cảnh giác với nguy cơ "trầm cảm Facebook".

Tuy nhiên, các chuyên gia từng nghiên cứu về mạng xã hội trong nhóm sinh viên đại học lại chỉ ra rằng không phải mọi đứa trẻ đều là nạn nhân của nguy cơ trầm cảm này.

Facebook làm tăng cường cảm giác liên kết xã hội giữa những đứa trẻ biết thăng bằng bản thân, và chỉ gây ra ảnh hưởng ngược lại với những ai có xu hướng trầm cảm.

Báo cáo chi tiết sẽ được đăng trên tạp chí American Academy of Pediatrics tuần này, tờ Xinhua cho biết.

T. An (Theo Vnexpress)

Biến tướng đáng ngại của trào lưu “thổ lộ” trong giới trẻ

Xuất hiện trên facebook Việt Nam từ tháng 2, đến nay có rất nhiều fanpage về "confessions" - lời tự thú (hoặc thổ lộ) được thành lập và thu hút đông đảo sự quan tâm của cư dân mạng.

Bùng nổ trào lưu Confession

Nhờ tốc độ phát triển của các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter đã bùng nổ các xu hướng mới dành cho giới trẻ. Sự xuất hiện gần đây nhất là Confession – trào lưu đang gây “sốt” cộng đồng mạng bởi tính chất tự do, thoải mái bày tỏ cảm xúc thật của chính mình, không bị lộ tên tuổi.

Khi tham gia vào một trang Confession, bạn có thể gửi đến đó một lời thú nhận hay chia sẻ của mình. Và người chủ trang (admin) sẽ chọn lọc rồi đăng tải chúng lên trang. Mọi thành viên của trang đều có thể bình luận hoặc đưa ra ý kiến về bài viết đó.
 

 Trào lưu "confessions" đang nở rộ trong giới trẻ.

 

Mọi thông tin cá nhân của người gửi đều được đảm bảo tính bí mật thông qua một trang trung gian (thường là Google Docs) và không có một ai khác biết người gửi là ai, kể cả các admin quản lý trang đó.

Trước sự ưa chuộng và “cuồng nhiệt” của giới trẻ, rất nhiều fanpage Confessions của các trường trung học phổ thông và đại học đã được mở ra, thu hút hàng nghìn lượt like như: FTU Confessions (11.843 like), CNN Confessions (4.195 like), Ams Confession (9.638 like), …

Giải mã cơn “sốt” Confession trong giới trẻ

Những lời “thú tội” dễ thương hay kỷ niệm về thời cắp sách tới trường được chia sẻ trên trang confession của trường cũ của một số sinh viên được mọi người đón nhận tích cực. Đồng thời chính những cảm xúc chân thật, đáng yêu đó đã gợi nhớ và giúp nhiều bạn trở về với ký ức tuổi thơ.

Không chỉ vậy, điểm thú vị của Confession là các thành viên trong diễn đàn của fanpage có thể chia sẻ mọi vấn đề mình đang gặp phải trong cuộc sống đồng thời nhận được rất nhiều quan tâm của những thành viên khác. 
 
Nguyễn Văn Hùng (ĐH Giao thông Vận tải) cho biết: “Mình là con trai nhưng rất hay thể hiện cảm xúc ra bên ngoài. Trước áp lực học tập và cuộc sống sinh viên, Hùng cũng thường xuyên bị stress. Khi có trào lưu này, mình thấy hay hay nên thử xem sao.

Nhờ việc “thú tội” mà mọi vấn đề rắc rối của Hùng được gỡ bởi các “tư vấn viên” trong fanpage. Được nói ra những chuyện đấy, mình cũng cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái hơn rất nhiều”.

Trần Mai (trường ĐH Thương mại) cho biết: “Trong cuộc sống ai cũng đều cần được chia sẻ để cảm thấy tâm trạng tốt hơn. Đặc biệt có chuyện không vui hay điều thầm kín, tế nhị, Mai đều có thể chia sẻ với mọi người giống như một cuốn nhật kí trực tuyến”.
         
Những tâm sự được thoải mái thể hiện công khai mà không sợ lộ "tung tích".           


Ngoài ra, Hoàng Văn Thuận (trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) còn viết Confession như một cách để kiểm tra suy nghĩ, nhận định người khác về mình. Bạn bày tỏ: “Mình thấy việc confession thật sự thú vị. Vì chỉ viết ra những lời “thú tội” mới cho Thuận thấy được những suy nghĩ thật của nhiều người về bản thân. Chứ ở ngoài không ai chịu nói những điều đó đó với mình”.

Và hệ lụy của trào lưu Confession

Bên cạnh những Confession hài hước mang tính giải trí, kỷ niệm đáng yêu của một thời đi học hay lời tự thú chân thành về một “sai lầm” dễ thương trong quá khứ, các lời tự thú “thiếu trong sạch” cũng lan truyền mạnh mẽ ở nhiều trang cá nhân.

Các lời tự thú không dừng lại ở nội dung nhảm nhí mà còn mang tính chất nói xấu người khác, văng tục, chửi thề. Lợi dụng tính bảo mật thông tin, tính danh chủ nhân của Confession nên nhiều người đã dùng nó như một “phương tiện” để thỏa mãn mục đích thiếu lành mạnh của mình. 
Tuy nhiên bên cạnh những trang confessions có nội dung lành mạnh trong sáng, không ít trang confessions "xấu xí" đã ra đời.


Ngoài những fanpage được quản lý tốt, có sự sàng lọc kỹ lưỡng, nhiều fanpage “xấu xí” cũng lập ra. Ra đời muộn nhưng những fanpage này lại sở hữu số lượng người like cao ngất ngưởng.

Với những từ ngữ, câu chữ thiếu văn hóa, thiếu lành mạnh, các note confession này lại nhận được số lượng “bình luận” (comment) và “thích” (like) đông đảo. Không chỉ bạn bè – giới trẻ mà các đối tượng như: giáo viên, bác bảo vệ thậm chí anh chị, bố mẹ cũng trở thành nạn nhân của các confession “bẩn”.

Trần Long (Cao đẳng Cộng đồng) chia sẻ: "Khi đọc những confessions dung tục của một bạn gái, mình cảm thấy thật phản cảm và bức xúc. Những dòng bình luận phía dưới confession thì a dua bàn luận, tranh cãi với thái độ châm biếm, chê bai hơn là sự đồng cảm, sẻ chia".

Mình không hiểu sao Admin lại đồng ý  đăng lên những loại confession như thế. Thực sự nó đã ảnh hưởng đến suy nghĩ, lối sống của nhiều người". Bởi vậy mà khó có thể kiểm chứng đây là những lời “thú tội” thật sự của các thành viên sử dụng Facebook hay là chiêu trò câu “like” cho trang Confession của mình.

Trước hiện trạng này, các bạn trẻ cần ngăn chặn kịp thời những Confession “bẩn” này để có một tư duy và suy nghĩ đúng đắn, lành mạnh.

Kỳ sau: Chuyên gia tâm lý nói gì về trào lưu “thổ lộ”?

Hoàng Dung